Cũng giống như những loại da khác, da nhạy cảm gặp rất nhiều yếu tố gây hiểu lầm cho phái nữ trong việc tìm hiểu và chăm sóc. Nhiều người chỉ hiểu cơ bản rằng, da nhạy cảm là loại da cực kỳ yếu, dễ kích ứng, mẩn đỏ với bất kỳ tác động nào từ mỹ phẩm. Vậy nên khi gặp tình trạng tương tự, đa số mọi người đều cho rằng da mình là da nhạy cảm. Nhưng trên thực tế, da nhạy cảm và tình trạng da nhạy cảm là hoàn toàn khác nhau, dù nhiều biểu hiện tương đồng từ hai loại da này khiến các chị em hiểu lầm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về da nhạy cảm cũng như tình trạng da nhạy cảm là gì và cách chăm sóc đối với từng loại da.

I. DA NHẠY CẢM 

  • Da nhạy cảm là gì? Nguyên nhân và biểu hiện: 

Da nhạy cảm là làn da được xác định bởi những gì bản thân chúng ta cảm nhận, chứ không phải bởi những dấu hiệu da bên ngoài. 

Biểu hiện: 

- Da mặt dễ mẩn đỏ, phản ứng lại khi ăn một số loại thực phẩm nhất định, khi uống đồ có cồn hoặc khi môi trường thay đổi như tiếp xúc với mặt trời, môi trường ô nhiễm và thậm chí là phấn hoa, lông thú nuôi,... 

- Dễ mắc các bệnh viêm da cơ địa như eczema, Kaposi-juliusberg,... 

- Dễ dị ứng và phản ứng lại khi tiếp xúc với các nguyên nhân kích thích da nhạy cảm từ bên trong, gây mẩn đỏ và khó chịu

- Không sử dụng được mỹ phẩm hoặc các thành phần cơ bản như cồn, hương liệu,... 

Nguyên nhân: 

Do hệ thống phòng thủ của da không còn hoạt động một cách chính xác. Lớp màng hydrolipidic như một lá chắn ngăn chặn vi khuẩn và các chất kích thích tiếp cận đến các lớp biểu bì sâu bên trong đã bị yếu đi, khiến da dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với những thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm. Khi tiếp xúc quá lâu, da sẽ nghĩ rằng đây là các kích thích gây nguy hiểm, kết quả là da gửi tín hiệu cảnh báo, gây nên các vết mẩn đỏ. Vậy nên da nhạy cảm sẽ dễ mất độ ẩm và duy trì sự săn chắc, đàn hồi kém hơn những loại da khác. 

  • Cách chăm sóc da nhạy cảm: 

Có một số những nguyên tắc nhất định giúp da nhạy cảm tránh được mẩn đỏ và phản ứng liên tục khi gặp thay đổi từ bên ngoài lẫn bên trong bạn cần biết là:

- Bảo vệ da kỹ lưỡng: Đừng quên khẩu trang, quần áo kín đáo mỗi khi ra ngoài bởi bất kỳ yếu tố nào từ môi trường cũng có thể gây hại đến làn da của bạn. Điều này cũng giúp giữ lớp màng bảo vệ da của bạn tốt hơn. 

- Làm sạch da thường xuyên: Da nhạy cảm cần được làm sạch kỹ lưỡng nhiều hơn các loại da khác, sở dĩ vi khuẩn còn sót lại luôn có khả năng gây mẩn đỏ da hoặc viêm da. Có thể làm sạch với nước và tránh những sản phẩm tẩy rửa nhất có thể. 

- Tăng cường thay chăn drap và khăn tắm: Vi khuẩn có ở khắp mọi nơi, nhiều khi sản phẩm bạn dùng cho da rất bình thường nhưng vi khuẩn bám vào cũng có thể gây dị ứng diện rộng. Vậy nên phòng bệnh hơn chữa bệnh. 

- Tránh một số thức ăn, đồ uống gây dị ứng: Mỗi cơ thể thường phản ứng lại với 1 vài thực phẩm khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng sẽ gây mẩn đỏ, ngứa, châm chích. Hạn chế càng nhiều càng tốt. 

- Sử dụng mỹ phẩm sạch: Ưu tiên sản phẩm không có các chất độc hại, không có paraben, hương liệu, cồn khô, silicone,...lưu ý một số chiết xuất từ thiên nhiên vẫn sử dụng chất hoá học có thể gây kích ứng.

II. TÌNH TRẠNG DA NHẠY CẢM

  • Tình trạng da nhạy cảm là gì? Nguyên nhân và biểu hiện: 

Tình trạng da nhạy cảm là một khoảng thời gian nhất định da hoàn toàn mất khả năng bảo vệ, yếu đi do những tác động của vấn đề da và mỹ phẩm. 

Biểu hiện:

- Da dễ kích ứng và phản ứng với cả sản phẩm chăm sóc da cùng những nhân tố bên ngoài như không khí, khói bụi,...

- Da dễ ẩn đỏ, châm chích và đau rát sau khi dùng phương pháp xâm lấn hoặc sử dụng mỹ phẩm có hoạt chất cao

- Da bị kích thích phản ứng khi có sự tác động từ những yếu tố vật lý như chà sát, lột hoặc nặn mụn,...

Nguyên nhân: 

Nhiều chị em phụ nữ thường rơi vào tình trạng da nhạy cảm nhiều hơn việc sở hữu da nhạy cảm thật sự. Thông thường sau khi peel da, thay đổi nồng độ hoạt chất trong mỹ phẩm hoặc trực tiếp sử dụng các thành phần dễ gây kích ứng như retinol, acid,...da đều rơi vào trạng thái “yếu đuối”. Nhất là với những làn da bị mụn viêm, mụn trứng cá, mụn đỏ,...việc nhạy cảm, dễ kích ứng là điều bình thường. Thậm chí, việc kết hợp mỹ phẩm tuỳ ý cũng gây phản ứng không mong muốn giữa các thành phần, điều đó gây ngứa, đỏ da hoặc sử dụng 1 số thành phần da không thích ứng cũng có thể mẩn đỏ, lên mụn. 

  • Cách chăm sóc tình trạng da nhạy cảm: 

Trong những khoảng thời gian da nhạy cảm, việc nâng niu và hồi phục làn da là hết sức quan trọng. Có một số những nguyên tắc bạn cần lưu ý để đưa da trở về trạng thái ban đầu tốt nhất của nó: 

- Tăng cường dưỡng ẩm sâu cho da: Dưỡng ẩm là bước nền tảng nhất, không gì giúp làm lắng dịu làn da mà còn giúp da mịn mướt, căng bóng và thúc đẩy khả năng vận chuyển chất, tái tạo và phục hồi tế bào da nhanh chóng. 

- Ngưng sử dụng sản phẩm gây kích ứng: Sẽ luôn có một số các sản phẩm không thích hợp với da bạn, hoặc da bạn không thật sự chịu được nồng độ có trong sản phẩm. Hãy tạm ngưng để da thích nghi, phục hồi. 

- Hạn chế tối đa việc kết hợp mỹ phẩm: Không phải sản phẩm nào cũng như sản phẩm nào. Sẽ luôn có 1 vài thành phần khi kết hợp với nhau sẽ gây phản ứng ngược như châm chích, ngứa da hoặc lên mụn. Đừng kết hợp vô tội vạ nếu bạn không hiểu rõ hết thành phần hoặc chúng không cùng một hãng. 

- Tập trung nghiên cứu và phân loại thành phần: Có thể bạn không biết thành phần nào khiến mình kích ứng, hãy tạm nhìn qua bảng thành phần, có 1 số thành phần đặc biệt tưởng chừng nhẹ dịu với người khác nhưng gây ngứa trên da bạn như nha đam, chất nhầy ốc sên,...và nhớ lại lượng sản phẩm cũng như thời gian dùng để tiết chế vào lần sau. 

- Tối giản quy trình dưỡng da: Tình trạng da nhạy cảm kéo dài bao lâu phụ thuộc vào các quy trình nuôi dưỡng và phục hồi của bạn. Hãy tối giản hết mức có thể, ưu tiên các sản phẩm nhẹ dịu, nhiều dưỡng thì da hoàn toàn có khả năng hồi phục, thay mới sau ít nhất 3 tuần. 

Với những thông tin trên, hi vọng có thể giúp bạn phân biệt loại da và tình trạng da của mình nhiều hơn nữa. Khi bạn dùng mỹ phẩm nào đó, da lập tức kích ứng không có nghĩa bạn là da nhạy cảm; rất có thể chỉ là bạn không hợp với thành phần nào đó có trong sản phẩm. Có những người dùng được cả AHA, BHA, Spicule, Panthenol, Dimethicone...nhưng lại không thể dùng chiết xuất nha đam, vỏ cây phỉ,...vì trong quá trình chiết xuất có các thành phần hoá học gây kích ứng tham gia. Vậy nên bạn hãy cân nhắc nhé!