[Thegioinuochoa.com.vn] Nhà thiết kế người Pháp Jean Paul Gaultier (sinh năm 1952) trở nên nổi tiếng khắp thế giới với những thiết kế tiên phong , thường được trình diễn đầu tiên ở những sàn diễn mang tính chất của các sự kiện truyền thông.
Jean Paul Gaultier sinh ra ở Pháp năm 1952. Ngay từ nhỏ, ông đã không có hứng thú với thể thao hay bất kì sở thích thông thường nào của trẻ con, nhưng lại tỏ ra là một thiên tài trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Năm 13 tuổi, cậu thiếu niên Gaultier đã có bộ sưu tập dành riêng cho bà và mẹ. Năm 15 tuổi, ông sáng tạo ra kiểu áo khoác có túi đựng sách đóng kín. Khi bước vào tuổi 17, cậu đã táo bạo gửi những phác thảo của mình tới nhà thiết kế thời trang Paris Pierre Cardin. Cardin nhận ra được tài năng của chàng trai trẻ nên đã thuê cậu làm phụ tá thiết kế. Gaultier làm việc cho Cardin trong vòng 2 năm. Sau đó, ông làm thiết kế cho Jacques Esterel 1 năm trước khi vào House of Patou tại Pháp làm việc với nhà thiết kế Angelo Tarlazzi và Michael Goma 3 năm. Sự nghiệp của Gaultier bắt đầu khi Kashiyama, một tập đoàn may mặc Nhật Bản, nhận thấy danh tiếng của ông đang lên như diều gặp gió. Họ kí với ông một hợp đồng dài hạn sản xuất trang phục nam nữ dưới tên của chính ông. Nổi danh là nhà thiết kế thời trang tiên phong của thời đại mình, thỉnh thoảng người ta gọi Gaultier là Hoàng tử Ngang bướng. Ông được biết đến như một người có cái nhìn sắc sảo về thời trang đường phố còn non trẻ của Luân Đôn và New York, thể hiện chúng lại với một chút ít phô trương của người Pháp, rồi đem chúng lên các sàn diễn của mình. Một trong những thiết kế đột phá được biết đến nhiều nhất là áo khoác, đầm, bộ quần áo liền nhau với những đường cắt không gò bó khiến quần áo trông như những cái lồng. Những thiết kế độc đáo của ông còn gồm đầm và áo ống với đường cắt hở ngực , áo ống có khăn choàng chéo vai, quần đa sắc bằng lycra, vinyl và da, váy kiểu người Scotland dành cho nam.

Năm 1997, Gaultier ra mắt trang phục cao cấp lần đầu tiên trong một show ở Paris. Trong một bài xã luận đăng trên tờ Interview, ông cho rằng: “Chúng ta đang ở trong một thế giới mà nhiều người ở nhà lên mạng Internet chẳng để làm gì cả. Tôi nghĩ đây là thời cơ cho thời trang cao cấp vì nó là một cái ảo nho nhỏ. Nó đặc biệt, và chỉ dành cho một khách hàng vào một thời điểm mà thôi.”. Trong show diễn đó, Gaultier là nhà thiết kế duy nhất tạo ra những sản phẩm độc đáo cho cả nam và nữ. Cũng gây được nhiều chú ý trong show Paris 1997 đó là loại áo cooc-xê dành cho nam giới. Gaultier lập luận trên tờ Interview rằng, “ Tôi ủng hộ sự bình đẳng giới. Nếu có thời trang cao cấp dành cho nữ thì tại sao nam lại không có?”. Mặc dù, được khơi gợi cảm hứng ban đầu từ thời trang đường phố, và thời trang cao cấp vốn vẫn được cho là vương quốc của giới thượng lưu, Gaultier thử tạo ra một truyền thống thời trang cao cấp với vải sợi, một chất liệu không thường được dùng trong lãnh vực này.

Năm 1987, Gaultier nhận giải thưởng nhà thiết kế thời trang người Pháp được yêu thích nhất của năm. Năm 1988, ông khai trương một dòng sản phẩm trang phục thể thao giá rẻ tên là Junior Gaultier, lúc đầu bán độc quyền trong 1 cửa tiệm nhỏ ở Les Halles, một khu ổ chuột ở Paris, sau đó thỉnh thoảng được bán ra ở các cửa hàng bách hóa tại Mỹ. Một cửa hàng khác của ông, đặt tại khu vực sang trọng Right Bank (Paris), bày bán trang phục may sẵn nam nữ với giá khá cao ($1200/bộ com-lê). Những quần áo này cũng được bán ở các cửa hàng cao cấp ở New York, Los Angeles, và Miami. Năm 1990, tài năng của Gaultier đến với lượng khán giả đông đảo và ít hiểu biết về thời trang hơn khi ông thiết kế toàn bộ trang phục cho bộ phim “ The Cook, The Thief, His Wife and Her Lover” ( Người đầu bếp, Tên trộm, Vợ của chàng và Người yêu của nàng) của đạo diễn gây nhiều tranh luận người Anh, Peter Greenaway. Vốn từ lâu là một người hâm mộ phim Greenaway, Gaultier cùng với người đạo diễn quyết định trang phục cho vở kịch luân lý hiện đại này sẽ thay đổi màu sắc khi các nhân vật đi từ cảnh này sang cảnh khác. Bốn nhóm trang phục đã ra đời : đỏ cho phòng ăn, xanh dương cho bãi giữ xe, trắng cho phòng tắm, và xanh lá cho nhà bếp. Một trong những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của ông là ca sĩ Madonna. Trong tour diễn quốc tế năm 1990 Blonde Ambition (Tham vọng cô gái tóc vàng), Madonna chỉ sử dụng những bộ com-lê của Gaultier với đường cắt hở ngực khoác ngoài cooc-xê và quần dài nam. Cô cũng là 1 trong những người tiên phong trong trào lưu mặc đồ lót bên ngoài quần áo của Gaultier năm 1985

Năm 1997, Gaultier hợp tác với đạo diễn người Pháp Luc Besson , thiết kế trang phục cho bộ phim “The Fifth Element” (Nhân tố thứ 5), một câu chuyện khoa học viễn tưởng li kì. Mặc dù bộ phim nhận được ít lời bình nhiệt tình, phục trang của phim lại được xem là một sự-nhận-thức-về-cơ-thể và kì dị khác thường trong những bài bình luận trên tờ National Review and People Weekly.
Mặc dù các mẫu thiết kế của Gaultier đôi lúc bị xem là quá giới hạn, nhưng các nhà sử học nghiên cứu về thời trang hay giới thời trang bán lẻ đều khẳng định rằng tài năng phong phú của ông đã có ảnh hưởng lớn đến sản phẩm của các nhà thiết kế khác. Hàng nhái Gaultier và thi thoảng vài vụ trộm trắng trợn các mẫu thiết kế (phần nào) điên cuồng của ông vẫn thường xuất hiện ở các cửa hàng bách hóa rẻ tiền nhiều tháng sau các buổi diễn ra mắt.