Nhượng quyền (Hay nôm na là cho thuê thương hiệu) là hình thức một chủ kinh doanh chia sẻ quyền sử dụng hình ảnh, thương hiệu và bí quyết kinh doanh của mình với một đối tác khác để nhận một khoảng lợi nhuận. Đây là bước đường ngắn nhất để cả đôi bên đối tác có thể đạt được mục đích kinh doanh của mình“.
Tại sao chọn hình thức nhượng quyền?
“Trước hết, bởi vì bên nhượng quyền muốn phát triển mô hình kinh doanh, thương hiệu của mình một cách nhanh chóng bằng các nguồn vốn, nhân lực và trí lực bên ngoài trong khi người được nhượng quyền thì không muốn khởi đầu gian nan trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu và bí quyết công nghệ từ con số không. Sự kết hợp sẽ giúp cho cả hai nhanh chóng đạt được lợi ích của mình“, ông Ngô Ngọc Quang - Giám đốc phụ trách franchising của công ty Lanrabrand, giải thích.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), hiện nay, các tập đoàn bán lẻ kinh doanh siêu thị của nước ngoài có xu hướng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ của Việt Nam có thể cùng hợp tác với những tập đoàn trên theo hình thức nhượng quyền thương hiệu thay vì phải vất vả cạnh tranh với họ.
Ông Ngô Ngọc Quang phân tích: “Lợi ích đầu tiên của việc thuê nhượng quyền là làm giảm thiểu rủi ro. Nhờ vào lợi thế cạnh tranh của thương hiệu nhượng quyền, cộng với sự hổ trợ về marketing, địa điểm và đào tạo, người thuê nhượng thương hiệu có thể trở thành ông chủ một chi nhánh với hệ thống phân phối gắn liền. Hơn nữa, người cấp quyền kinh doanh sẽ giúp đỡ các chi nhánh vượt qua những bước thiếu kinh nghiệm ban đầu“.
Chuyện nhường quyền tại Việt Nam
Trung Nguyên là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, và đã đạt được những thành tựu to lớn trong giai đoạn đầu xây dựng cũng như phát triển mô hình mới mẻ này.
Ông Lý Quý Trung, giám đốc chuỗi nhà hàng Nam An, người sáng lập ra thương hiệu Phở 24, cũng đã thiết lập được 13 franchising trong nước và một tại Indonesia.
Các tên tuổi khác như chuỗi “vệ tinh“ của Kinh Đô, Saigon Co-op, Ninomaxx… đã mọc lên khắp mọi nơi cũng là một minh chứng cho thấy chuyện nhượng quyền thương hiệu là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghệip xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển thương hiệu của mình.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết: “ITPC có ý định phát triển và đẩy mạnh công nghiệp nhượng quyền thương hiệu và tìm kiếm những doanh nghiệp trong nước có tiềm năng nhượng quyền để thành lập một câu lạc bộ Franchising vào tháng 3/2006”.
Ai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nhượng quyền thương hiệu? Một địa chỉ được nhắc đến là công ty thương hiệu Lantabrand, nơi vừa khai trương dịch vụ mua bán nhượng quyền thương hiệu.
ITPC cảnh báo, hệ thống phân phối nội địa ở Việt Nam đang có nguy cơ bị điều khiển bởi các tập đoàn nước ngoài nếu các doanh nghiệp trong nước thiếu một kế hoạch vững chắc về phát triển ngành bán lẻ nội địa.