Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao lại có sự chênh lệch giá tiền giữa những chai nước hoa? Bỏ qua yếu tố về thương hiệu và bao bì sản phẩm thì bảng thành phần nước hoa chính là nguyên nhân. Có những nguyên liệu rất quý hiếm, khó chiết xuất nên khiến giá trị của chai nước hoa đó trở nên cao hơn. Cùng khám phá 5 nguyên liệu quý có trong nước hoa qua từng bức hình dưới đây bạn nhé!

HOA NHÀI

Việc tạo ra 450g tinh dầu hoa nhài cần đến 1 tấn cánh hoa. Đáng nói hơn, phải cần đến 8000 bông hoa nhài mới thu được 1ml phần dầu cô đặc quý giá (absolute oil). Vì lẽ đó nên tinh dầu hoa nhài là một trong những thành phần nước hoa có giá trị cao ngất ngưởng. Nếu so sánh thì tinh dầu hoa nhài có giá trị cao gấp 3 lần oải hương. Mặt khác, những cánh hoa nhài rất mỏng manh, nếu không đựng trong rổ chuyên dụng sẽ dễ bị dập. Hoa nhài sau khi được thu hoạch thường được đưa vào tinh chế ngay. Việc bảo quản hoa nhài cần được thực hiện kỹ lưỡng.

 

HOA HỒNG BULGARIA

Bulgaria được mệnh danh là xứ sở hoa hồng, là nơi tạo ra những bông hoa quyến rũ và quý hiếm. Tuy nhiên, quy trình điều chế ra loại tinh dầu hoa hồng Bulgaria còn khó khăn hơn cả hoa nhài. Nếu cần đến 1 tấn hoa nhài để làm ra 450g tinh dầu thì con số ở hoa hồng Bulgaria phải cao gấp 5 lần mới thu được những giọt tinh dầu cô đặc nhất. Không có gì ngạc nhiên khi giá trị của tinh dầu hoa hồng Bulgaria có thể lên đến gần 180 USD khoảng 3,7ml.


HOA DIÊN VĨ

Hoa diên vĩ (Orris) là một trong các thành phần nước hoa đắt giá nhất thế giới. Bởi người ta phải cần đến 1 tấn rễ cây diên vĩ được trồng từ 2-5 năm để sản xuất ra 2kg tinh dầu. Có thể bạn chưa biết, mùi diên vĩ thường thấy trong các chai nước hoa không xuất phát từ bông hoa mà là từ gốc rễ của loài cây này. Khi còn tươi, rễ cây không mang mùi hương đặc biệt nhưng khi được bóc vỏ, sấy khô và bảo quản thêm 3 năm, hương thơm mới đậm mùi và lan tỏa nhiều hơn.


 
XẠ HƯƠNG

Xạ hương (Musk) là loại tinh chất lấy từ tuyến hậu môn của loài hươu xạ. Vì vậy, để có được chiết xuất tinh khiết, một con hươu đực sẽ phải bị giết. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp nước hoa, hươu dần dần trở thành loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nên cần được bảo tồn. Do đó, kể từ cuối thế kỉ 19, người ta đã ngừng việc săn bắn loài động vật này và chuyển sang dùng hóa chất tổng hợp để tạo ra xạ hương.


TRẦM HƯƠNG

Thực tế, chỉ có khoảng 2% trong cả ngàn loại cây mới có một cây cho ra trầm (Oud). Thông thường, gỗ cây chỉ có hương thơm thoảng nhẹ nhưng khi bị tấn công bởi một loại nấm độc (Phialophora parasitica), cây mới tiết ra nhựa thơm để chống lại quá trình đó. Chất nhựa thơm này mang mùi hương da thuộc trầm ấm, có chút vị cay và cả vị ngọt của đàn hương. Tuy nhiên, không phải cây nào cũng nhiễm loại nấm kể trên và tiết ra nhựa thơm. Trầm hương được ước tính bằng 1,5 lần giá trị của vàng, nó, còn được gọi là “vàng lỏng”.